CÁCH "CỨU" LÀN DA CHÁY NẮNG ĐƠN GIẢN NGAY TẠI NHÀ
Mùa hè đến cũng là lúc chúng ta dành thời gian cho các hoạt động giải trí, thể thao, vui chơi trên những bãi biển, thả mình thư giãn nơi resort. Tuy nhiên mùa Hè cũng là thời gian đỉnh điểm của nắng nóng, khiến làn da của chúng ra dễ dàng bị cháy nắng.
Cháy nắng vẫn là tình trạng dễ xảy ra trong thời tiết nóng bức khi chúng ta phơi mình quá lâu và trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, khi bạn không bôi kem chống nắng đầy đủ. Ở tổn thương nhẹ, da bạn sẽ bị đỏ, và nặng hơn thì có thể xuất hiện những bọc nước.
Bên cạnh khiến da sạm đen, cháy nắng còn khiến da bị bong tróc da, đẩy nhanh quá trình lão hóa, tình trạng này cũng gây tổn hại đến DNA trong tế bào da của bạn, dẫn đến đột biến gây ung thư da.
Làm sao để vượt qua cháy nắng? Hãy cùng Vulcano tìm hiểu các biện pháp đơn giản sau đây.
TẮM BỘT YẾN MẠCH
Cách này được khá nhiều chị em áp dụng, vừa giúp giảm nhẹ tổn thương do cháy nắng trên da, vừa có tác dụng thư giãn rất tốt. Bột yến mạch chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn cần xay nhỏ bột để tránh bị ảnh hưởng đến làn da.
Với cách này, bạn chỉ cần nghiền yến mạch và cho vào bồn tắm. Trộn đều với nước tắm mát rồi ngâm mình từ 15 đến 20 phút. Sau đó, nhẹ nhàng vỗ da khô bằng khăn sạch.
LÀM DỊU DA VỚI SỮA CHUA KHÔNG ĐƯỜNG
Sữa chua không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho tiêu hóa do chứa nhiều vi sinh vật có lợi mà còn có tác dụng làm dịu, xua tan cảm giác ngứa rát do cháy nắng rất hiệu quả. Sau khi bôi và giữ trên da từ 5 - 10 phút, bạn sẽ thấy cảm giác ngứa rát, mẩn đỏ trên da giảm đi đáng kể, da sau đó sẽ phục hồi tốt hơn.
Lưu ý trước khi bôi sữa chua, cần rửa mặt và vùng da cháy nắng sạch. Sau khi dùng sữa chua không đường, dùng khăn mềm để lau khô da, tránh chà xát khiến da tổn thương nặng hơn.
SỬ DỤNG NHA ĐAM
Chất gel bên trong loài thực vật mọng nước này đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ để chữa đủ loại bệnh, từ đau dạ dày đến nhiễm trùng thận. Nó cũng là cách giảm cháy nắng thường thấy nhất. Ngoài da, gel trong nha đam còn thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen trong da và hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương
Việc thoa nha đạm trực tiếp lên da sẽ giúp xoa dịu ngay lập tức vết bỏng rát do cháy nắng nhẹ. Nếu không mua được trực tiếp, bạn có thể chọn các loại thuốc bôi chứa ít phụ gia, hương liệu nhất để sử dụng.
DƯỠNG ẨM LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT
Khi làn da của chúng ta bị cháy nắng, việc cung cấp độ ẩm cho da là bước vô cùng quan trọng để làm mềm, làm dịu da và tăng đốc độ phục hồi da. Da của chúng ta vốn dĩ đã mất nước, và khi bị tổn thương như cháy nắng, thì bổ sung độ ẩm đó để chữa lành trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bạn có thể sử dụng Vaseline – sản phẩm dễ tìm thấy trên thị trường.
Kem dưỡng ẩm chúng ta nên lựa chọn nên chứa các thành phần lành tính, chuyên biệt dành cho da nhạy cảm và da bị tổn thương, không chứa cồn hay chứa các thành phần tạo hương để tránh việc gây kích ứng ngược, điều đó sẽ khiến tổn thương da của chúng ta trở nên nghiêm trọng hơn.
KHÔNG GÃI VÀ TRÁNH KÍCH THÍCH DA
Mất khoảng một tuần để vùng da cháy nắng lành vết thương. Dù rất khó chịu, nhưng bạn cũng nên tránh gãi, lột da bong tróc, tẩy tế bào chết, chọc mụn nước hay chà sát một cách thô bạo. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng qua những vết trầy.
Ngoài ra, da của bạn cần có không gian để “thở” trong khi chữa lành vết thương lớn như cháy nắng. Chính vì thế, hãy chọn trang phục không dính vào da, sử dụng chất liệu như Cotton để tăng cường độ thông thoáng.
LÀM SAO ĐỂ NGĂN NGỪA CHÁY NẮNG ?
Trong những ngày hè nắng nóng đến 39 -40 độ như hiện nay, cách tốt nhất để ngăn ngừa cháy nắng là tránh xa ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, bạn nên che chắn bằng mũ và quần áo khi bước ra ngoài đường.
Bên cạnh đó, kem chống nắng là biện pháp cứu làn da của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn chọn một sản phẩm có thể bảo vệ cơ thể tránh cả tia UVA và UVB
Ngoài ra, hãy chú ý chỉ số SPF trên sản phẩm kem chống nắng. Nếu bạn có làn da trắng, da nhạy cảm, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da, sống ở vùng khí hậu oi bức hoặc phải hoạt động ngoài trời, hãy dùng SPF hàng ngày là 30 và SPF ngoài trời là 50.
KHI NÀO NÊN ĐẾN GẶP BÁC SĨ?
Nếu bạn bị phồng rộp, bong tróc chảy máu hoặc cực kỳ đau đớn, hãy bỏ qua các biện pháp khắc phục tại nhà và đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, hãy chú ý đến tình trạng nhiễm trùng, bởi vì khi vết cháy nắng sâu hoặc lan rộng, da rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề.